Báo Chí Nói Về Tiệm Tranh Lý

https://cafebiz.vn/tung-thua-lo-500-trieu-cho-lan-kinh-doanh-dau-co-gai-9x-khoi-nghiep-lai-voi-dong-tranh-son-dau-moi-la-20210701100120626.chn

Câu chuyện của cô bạn Lý giống như “cái duyên” bất ngờ khi từ một cô gái khá mơ mộng và yêu thích nghệ thuật, sáng tạo đến công việc quản lý, vận hành Tiệm Tranh Lý – chuyên dòng tranh sơn dầu digital. Chia sẻ về khoảng thời gian gần 1 năm chính thức vận hành tiệm tranh cũng là kinh nghiệm xương máu cho nhiều chị em tham khảo khi đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh.

Chân dung cô chủ của Tiệm Tranh trên bản vẽ sơn dầu digital.

Nghề “chọn” người hay cơ hội từ chính những điều không ngờ tới

Lý kể lại mình tìm thấy sản phẩm này một cách rất tình cờ. Có lần Lý định đặt bức tranh làm quà tân gia cho một người bạn, sau khi tham khảo thì thấy một bức tranh sơn dầu vẽ tay thủ công mất nhiều thời gian, giá dao động thường rơi vào khoảng hơn 2 triệu, ít người có thể sở hữu nó.

Cho nên Lý đã quyết định làm khác đi, tạo ra bức vẽ thay vì cọ và màu thì vẽ bằng máy mà vẫn mang được cái “hồn” của tranh sơn dầu, giá thành rẻ hơn và nhanh hơn nữa. Trung bình một sản phẩm vẽ digital tùy theo kích thước giá dao động từ 500 nghìn đến 1 triệu.

Khi bắt đầu Tiệm tranh, Lý phải vạch ra một cái nhìn tổng quát nhất bằng cách đặt ra những câu hỏi như: Bán cái gì? Bán cho ai? Ai là người cần sản phẩm này nhất? Và bán như thế nào? Đồng thời nghiên cứu kỹ thị trường, sức cạnh tranh của các mặt hàng khác.

Khảo sát giá cả, sao cho đem đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá thành rẻ. Ngoài ra, Lý còn đặt mục tiêu phải cố gắng đạt được 30 đơn trong tháng đầu tiên. Lý chia sẻ quá trình tiếp cận khách hàng trực tiếp thông qua bạn bè giới thiệu. Sau khi có lượng khách nhất định, nhận xét về sản phẩm tốt, Lý đã tự tin hơn và mở rộng, tiếp cận người mới bằng cách chạy quảng cáo trên các nền tảng social.

Mỗi bức tranh là từng nét tỉ mỉ trên bản thảo.

Lý từng đặt nhiều tâm huyết khi bắt đầu và mong muốn Tiệm tranh là thương hiệu đầu tiên và lớn mạnh chuyên cung cấp dòng tranh sơn dầu digital tại Việt Nam. Mặc dù nghệ thuật không hẳn là thế mạnh, nhưng tiệm tranh giống như cách để Lý được sống và làm điều yêu thích mỗi ngày.

Phải “trầy trật” trên con đường kinh doanh thì mới đứng lên được

Tất nhiên là kỳ vọng lớn lao thì khó khăn cũng tương ứng. Đây là một dòng sản phẩm hoàn toàn mới, hầu như chưa có ai làm, tệp khách hàng không có, cũng không có bất kì cơ hội học hỏi nào từ người đi trước.

Khi nhắc đến tranh người ta mặc định tranh là phải vẽ bằng cọ và màu, thế nên điều khiến Lý trăn trở đó là phải làm mọi cách để khách hàng hiểu và lựa chọn sản phẩm của mình. Lý kể mình đã phải tự mày mò từng bước từ việc khảo sát thị trường, tìm kiếm tệp khách hàng tiềm năng, thu hút khách hàng như thế nào và rất nhiều công việc không tên khác.

Vẽ digital cũng phức tạp và cầu kì không khác gì cầm cọ và màu.

Khó khăn chủ yếu là tiền quảng cáo cao trong khi khách hàng còn nhiều nghi ngờ cũng như chưa hiểu loại tranh mới này. Tháng đầu tiên Lý mất hơn 50 triệu tiền quảng cáo cũng như tiền duy trì hoạt động tiệm tranh trong khi doanh thu rất thấp, và phải bỏ tiền túi để bù đắp vào.

Sau đó kiên trì và định hướng đến dòng tranh cho mẹ và bé, dần dần Lý đã có những khách hàng online ở tỉnh đầu tiên cũng như hòa vốn quảng cáo. Đến nay Tiệm hoạt động được gần 1 năm, có dòng lợi nhuận đều và tiếp tục phát triển.

Một ngày có trung bình từ 20-30 tranh được khách đặt, tính ra hơn 2000 bức tranh đã đi khắp các tỉnh Bắc Nam. Điều khiến Lý vui nhất là vào dịp đặc biệt, khách hàng lại nhớ đến Tiệm tranh và đặt hàng hoặc tặng quà bạn bè, người thân làm kỉ niệm.

Dòng sản phẩm mới lạ trên thị trường nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng gần xa.

Quy mô kinh doanh của tiệm còn nhỏ nên Lý thấy không có gì phức tạp. Các cộng sự đều là những người trẻ, họ tài năng, nhiệt huyết và sáng tạo. Lý không hề chú trọng kinh nghiệm khi tuyển dụng bởi cô sẵn sàng chỉ dạy cho họ từ đầu chỉ cần là người có ý chí, ham học hỏi và không ngại khó. Hiện tại nhân sự của tiệm được tổ chức quy củ thành các team: đội vẽ, đội sale, đội marketing, các team kết nối và hỗ trợ nhau hoạt động trơn tru, bài bản hơn trước.

Làm công việc mình yêu thích là lưu giữ kỷ niệm cho mọi người

Tiệm tranh giúp Lý được sống với đam mê, được làm công việc yêu thích và có cơ hội tiếp xúc với nhiều vị khách đáng yêu. Có nhiều người ban đầu là khách rồi dần trở thành bạn bè, thật sự rất thú vị. Lý hạnh phúc khi nhắc về chồng, người đồng hành thân thiết, luôn động viên, hỗ trợ Lý hết sức khi gặp khó khăn.

Mỗi ngày Lý dành một nửa thời gian để chỉ dẫn, theo sát các bạn nhân viên. Lý vẫn trực tiếp trao đổi và tư vấn cho khách hàng. Thời gian rảnh thì tìm hiểu và cải thiện thêm sản phẩm, đặt ra mục tiêu dài hạn hơn.

Mình đặt bản thân mình vào vị trí của khách để hiểu họ muốn gì, cần gì và đáp ứng ra sao. Sự kết nối giữa người bán và người mua phải thực sự hiệu quả thì mới khuyến khích được khách hàng quay lại trong tương lai” – Lý chia sẻ vì nhìn nhận lại quãng đường đã đi qua, Lý kể chưa nhận được bất kỳ phản hồi không tốt nào về sản phẩm và dịch vụ.

Nếu có trường hợp đó, Lý sẽ không trốn tránh và việc đầu tiên là xin lỗi khách hàng, sau đó trao đổi trực tiếp để đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Khách hàng nên có những trải nghiệm tích cực hơn trong quá trình mua hàng và trải nghiệm dịch vụ, điều đó cũng là “feedback” chân thành nhất giúp Lý phát triển và cải thiện tốt hơn.

Cô chủ xinh đẹp của Tiệm tranh Lý với hơn 2000 bức tranh đi khắp Bắc Nam.

Lý từng kinh doanh mặt hàng thời trang nhiều năm, tuy nhiên ngành hàng này cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trước kia, Lý bỏ vốn ra kha khá để nhập hàng và chi phí chạy quảng cáo nhưng không đem lại kết quả nên bị thua lỗ hơn 500 triệu. “Lúc đó mình còn “non” khi chưa tìm hiểu thị trường kĩ càng. Tất cả trở thành kinh nghiệm xương máu cho mình để thận trọng hơn với lần kinh doanh tiếp theo này” – Lý chia sẻ.

Có một số bạn cũng hỏi mình về kinh nghiệm hay lựa chọn sản phẩm kinh doanh như thế nào? “Mình nghĩ là nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ bản thân phù hợp với loại hình kinh doanh nào, tìm hiểu kĩ ngành hàng đó. Mạnh dạn thử sức với nhiều mặt hàng để xem hợp với sản phẩm gì, cố gắng tạo ra sản phẩm “đỉnh” vì hiện nay thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt. Nhưng cũng đừng nản chí nếu gặp thất bại vì bạn phải “trầy trật” thì mới đứng lên được”.

Cơ hội kinh doanh và đầu tư Lý nói cô nhìn thấy ở khắp mọi nơi tuy nhiên chị em nên chọn cách dài hạn, chậm mà chắc, an toàn để tránh những chiêu trò đầu tư rủi ro trên thị trường.

Ghi theo lời kể của nhân vật – Ảnh: NVCC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
phone-icon
double-up